Bí quyết học tập

Cạm bẫy việc làm thêm

Mong muốn được thử sức trong môi trường mới để thêm thu nhập, trang trải cuộc sống, nhiều tân SV ngay sau ngày nhập học đã hăm hở kiếm việc làm thêm mà chưa ý thức hết về những cạm bẫy.

Từ tiền mất đến “tật mang”

Mải làm quên học dường như là điệp khúc quen thuộc với rất nhiều tân SV. Nhiều bạn có tâm lý chủ quan, năm thứ nhất đâu có gì đáng để học, cứ đi làm thêm vừa có tiền vừa thêm kinh nghiệm. Thế nhưng kinh nghiệm đâu chưa thấy mà họ lại trở thành “nguồn kiếm tiền” của một số trung tâm môi giới gia sư, môi giới việc làm thiếu trách nhiệm.

Trịnh Thị Lan, quê Phú Thọ, SV năm thứ 3, trường ĐH Sư phạm Hà Nội kể lại chuyện cô từng bị sập bẫy khi làm thêm ở năm thứ nhất: “Gần chỗ trọ của mình có một trung tâm môi giới trưng biển tuyển gia sư dạy Toán, Văn, Anh to đùng với mức lương tới 90.000 đồng/2 tiếng cho một học sinh lớp 9. Mình đến hỏi làm gia sư và được nhận ngay. Tuy nhiên, mình phải trả phí môi giới tới 1 triệu đồng (gần bằng một tháng lương đầu). Mình cũng ngoan ngoãn nộp vì thấy nếu cứ đều đặn dạy thế này thì chẳng bao lâu sẽ xông xênh tiền bạc. Không ngờ chỉ mới dạy được 3 buổi, chủ nhà yêu cầu mình nghỉ vì không hiệu quả. Đến gõ cửa trung tâm môi giới, nhân viên lại dẫn đến một nơi khác, nhưng lương chỉ có 30.000 đồng/buổi và phải dạy cách trường tới 12 km. Mình từ chối vì xa và tiền công thấp. Trung tâm hứa sẽ gọi. Nhưng mấy hôm sau mình đến thì trung tâm đó đã biến mất tích, số tiền hơn 1 triệu đồng của mình cũng bay theo”.

“Việc làm thêm hãy bắt đầu từ năm thứ 3, khi đó các bạn đã có chút “vốn liếng” kiến thức trong tay” – Tiến sĩ tâm lý học Lê Minh Loan

Tại các khu vực đông SV ở trọ như: Thái Thịnh (Q.Đống Đa), Phố Vọng, Quan Nhân khu vực đường Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân)… nhan nhản các biển “tuyển nhân viên” tại các tiệm gội đầu, massage. Các ông bà chủ còn mồi chài SV bằng các phân tích: công việc nhàn nhã, ưu tiên SV với mức lương cao, có nơi còn trưng biển với mức lương tới 3 triệu đồng/tháng. “Mình vào một tiệm gội đầu trên phố Thái Thịnh, thấy chị chủ rất đon đả, chẳng yêu cầu gì, được đi làm ngay và còn được ứng trước lương. Mình tưởng chỉ gội đầu cho khách là xong, ai ngờ họ còn bắt mình phải đấm lưng, xoa đùi cho khách và phải làm cả những chuyện… kinh khủng khác. Lúc đó, rất may mình còn tỉnh táo để né khéo bằng cách nói phải ra “rửa tay”, rồi nhanh chân chạy một mạch về chỗ trọ. Kể lại chuyện này cho một số SV đàn chị, họ mới nói đó là một dạng “mại dâm trá hình” phổ biến ở thành phố”, Thu H., SV trường ĐH Thủy Lợi rùng mình nhớ lại.

Chớ vội!

Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ với 100 SV năm thứ 3 và thứ 4, kết quả là hơn 80 bạn cho rằng tân SV không nên đi làm thêm ngay vì khi đó đường sá, mối quan hệ, kinh nghiệm sống chưa có nên khả năng bị lừa rất cao. Ngoài ra, mải đi làm thêm nên rất dễ bê trễ học hành, mà năm đầu là năm cực kỳ quan trọng với SV. Nguyễn Thị Minh Phương – cựu SV trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Nhiều bạn vì quá ham làm mà quên mất việc học ở trường mới là “nghề” chính. Đến khi ra trường mới giật mình vì nghề phụ thì không thể theo, trong khi “nghề chính” thì… mù tịt. Nếu không có tiền học, các tân SV có thể vay tiền từ ngân hàng chính sách, có thể tiết kiệm một chút. Sang năm thứ 2, thứ 3 khi đã quen với môi trường mới, các bạn có thể tìm việc làm thêm, nhưng cũng nên tìm công việc phù hợp với chuyên ngành mình đang học để tích lũy kinh nghiệm, ra trường dễ kiếm việc làm hơn”.

Theo Tiến sĩ tâm lý học Lê Minh Loan, cố vấn học tập, giảng viên khoa Tâm lý, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, với một SV năm thứ nhất kỹ năng nghề nghiệp chưa có, việc hòa nhập với môi trường mới còn gặp nhiều khó khăn thì việc đi làm thêm sẽ không mang lại hiệu quả. Thay vì vội vàng đi làm thêm kiếm tiền, các bạn tân SV hãy học cách quản lý tài chính thật tốt. Các bạn cần lập kế hoạch chi tiêu cụ thể từng khoản như tiền đi xe, tiền ăn, tiền nhà trọ… và có một khoản nhỏ dự phòng cần thiết. Còn việc làm thêm hãy bắt đầu từ năm thứ 3, khi đó các bạn đã có chút “vốn liếng” kiến thức trong tay thì hãy đi làm thêm.

Nguồn: Hồng Minh – Thanh Phong – Báo Thanh niên

About 2Bo02B

Nguyễn Vũ Thụ Nhân (Mr) Lecturer Physics Department. HCMC University of Pedagogy

Thảo luận

3 bình luận về “Cạm bẫy việc làm thêm

  1. Vâng, cám ơn thầy vì những tâm sự vừa rồi.
    Hôm qua em cũng mới nhận dạy thêm cho một em học sinh, nhà cũng gần so với KTX chỗ em đang ở. Em chỉ dạy có 1 buổi một tuần thôi ( vì lí do em ý bận học ở trường, ko có thời gian ). Nhưng như thế cũng tốt, em cũng ko định đi dạy nhiều.
    Kì trước, có một thời gian, em dạy một tuần tới 6 buổi. có khoảng gần 1 tháng như thế. Khi ấy, là em ôn cho 2 em chuẩn bị thi HK. Đúng là rất mệt mỏi. Ngoài thời gian học của mình, lại phải chuẩn bị bài cũng khá cụ thể, không thể dạy xoàng đc.:D. Cho nên, đi dạy về là mệt nhoài người, không làm đc j cả!
    Chúc thầy một tuần mới vui vẻ và công tác tốt!

    Thích

    Posted by huongtran | 28/09/2008, 23:02
  2. Cuộc sống của các bạn sinh viên, nhất là sinh viên xa nhà buộc các bạn phải nghĩ đến việc đi làm thêm, nhằm có thêm 1 khoản kinh phí để trang trải việc học hành, và cũng nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm. Nhưng làm sao phải cân đối, sắp xếp thời gian hợp lý để có thời gian xem lại bài. Hồi năm nhất, Thầy cũng chỉ vì mải đi dạy thêm (lúc đó đi dạy oai lắm) và chủ quan (do năm nhất thường học ít, và có nhiều môn thấy khá dễ). Vì lẽ đó, kết quả của năm nhất thật là tệ, dù không phải thi lại môn nào, nhưng có đến 1 môn bị 5 điểm, 3 môn 6 điểm (trong số 8 môn học).

    Từ đó, bản thân mình rút ra được 1 điều, dạy thêm cũng tốt, nhưng nhiệm vụ chính vẫn là phải học. Và những năm sau, nhờ biết phân phối thời gian, nên việc học cũng thuận lợi và nhẹ nhàng hơn. Cũng vì học hành nghiêm chỉnh, đến năm III, thì các Thầy trong Khoa cho đi theo sửa bài tập ở trung tâm luyện thi, nên cũng thoải mái.

    Tuy vậy, việc đi dạy thêm cũng có nhiều niềm vui và lắm nỗi buồn. Có những gia đình rất tôn trọng mình, và ngược lại, có những nhà xem mình chẳng khác gì thằng đầy tớ, vú em cho mấy thằng quý tử. Đến 1 ly nước cho mình cũng không có, tiền dạy thì cứ giả bộ quên, 2 tháng trả tiền 1 tháng. Với những chỗ như vậy, thường nhận tiền xong là goodbye.

    Còn bạn bè Thầy, thì hầu như đứa nào cũng bị các trung tâm gia sư lừa. Do đó, rút kinh nghiệm, ta chỉ dạy những chỗ quen biết, hoặc những chỗ do những người có con học mình, giới thiệu. Những chỗ nào “cà chớn” thì sau vài bữa, nên từ chối dạy tiếp.

    Thích

    Posted by 2Bo02B | 26/09/2008, 17:10
  3. Thầy ạ!
    Em là SV trường ĐHSP Hà Nội. Em cũng đi dạy thêm từ năm thứ nhất, vào tháng 12. Khi ấy, em khá là quen thuộc mọi thứ ở đây rồi, vì em có 1 năm trc đã ở HN. Từ đó, em đi dạy thường xuyên và cũng đỡ đc một khoản kha khá, không phải xin tiền bố mẹ nhiều. Nhưng năm nay năm thứ 3, học hành lại nhiều môn, khá là nặng, cho đến bây giờ em ko dạy em nào cả. Còn chuyện bị những Trung tâm lừa thì cũng khá phổ biến. Một bạn phòng em cũng đã từng bị lừa. Mỗi sinh viên phải tuỳ theo hoàn cảnh, khả năng của mình, và điều kiện học tập mà có thể làm thêm hay không. Công việc làm thêm nào phù hợp với mình, không ảnh hưởng nhiều tới chuyện học chính là đc.
    P.S: Đi dạy thêm nhiều khi mệt mỏi nhưng cũng thật vui !

    Thích

    Posted by huongtran | 26/09/2008, 11:40

Bình luận về bài viết này

Translators & RSS

English French RussiaMaths 4 Physics (M4Ps)


Bạn hãy nhập địa chỉ email của mình để đăng ký theo dõi tin tức từ blog này và nhận những bài viết mới nhất qua địa chỉ email.

Join 2 787 other subscribers

Đôi lời

Bạn có thể theo dõi các lời bình liên quan đến lời bình của mình qua email bằng cách chọn dòng thông báo Báo cho bạn khi có người bình luận tiếp theo đề tài này bằng điện thư mỗi khi viết 1 lời bình.


Rất mong các bạn viết lời nhắn bằng tiếng việt có dấu nhé.

Để viết tiếng việt có dấu bạn dùng font chữ Unicode và bảng mã là Unicode UTF-8.


Để biết cách gõ công thức Toán học trong các lời nhắn ở trang web này, mời bạn đọc bài hướng dẫn tại đây hoặc bạn có thể xem bài hướng dẫn dùng MathType tại đây và bài tạo công thức trực tuyến tại đây


Get Well

Lời nhắn mới nhất

Dương Khánh Uyên trong Trang 2
Trần Thái An trong Trang 2
Chúc Chúc trong Xác suất có điều kiện
Hoang Anh trong Khai triển Taylor – Macl…
Trần Trung Đức trong Mẹo phân tích nhanh 1 phân…
Nhung Duong trong Trang 2
khoi trong Khai triển Taylor – Macl…
Minh pham trong Chuỗi Fourier Sine và Cos…
Minh Phạm trong Chuỗi Fourier
Anh Tuấn trong Cực trị (không điều kiện) của…