Giáo dục, Life's Art

Dạ thưa cô, 10 ạ!

TTCT – Thưa cô, có lẽ bây giờ cô đã quên học trò nhỏ ngày xưa của khóa học 1999-2000, nhưng hình ảnh cô vẫn không phai mờ trong tâm trí em.

Đó là năm em học lớp 4 và cô làm chủ nhiệm lớp em. Sáng hôm đó dạy môn toán, cô bảo: “Bài toán hôm nay rất khó và ít có bạn nào giải đúng lắm nên các em chú ý nghe giảng thật kỹ”. Cả lớp im phăng phắc, chú ý từng lời giảng của cô. Sau đó cả lớp bắt đầu làm kiểm tra. Em đã chăm chú nghe cô giảng và say mê tìm lời giải đến nỗi quên cả lật sách toán của mình ra để đọc đề, mà xem ké sách bạn kế bên đang mở sẵn.

Thật ra, em rất hào hứng đối với những bài toán khó thế này vì ngay từ buổi đầu đi học, môn toán đặc biệt cuốn hút em. Kiểm tra xong cả lớp nghỉ giải lao, cô ở lại chấm bài để kịp phát lại vào giờ học sau. Em rất hào hứng đợi kết quả vì đã tìm được lời giải dù chưa biết đúng hay không.

Cuối cùng cũng vào giờ học. Trước khi công bố điểm, cô nhìn cả lớp rồi nói: “Thật ra bài này rất khó, các em không giải được cũng không sao nhưng có duy nhất bạn Châu trong lớp mình đã giải đúng”. Em chưa kịp vui mừng, cô đã bảo em đem sách toán lên cho cô xem. Không hiểu cô cần gì trong sách nhưng em cũng vội mang sách đưa cô. Em trở về chỗ ngồi hồi hộp chờ đợi.

Xem xong, cô nói với giọng đầy mỉa mai: “Cô đoán không sai mà, lớp trưởng, lớp phó còn không làm được, em là học sinh khá làm sao mà làm được. Ra là em xem sách giải trước ở nhà rồi viết vào sách. Bằng chứng rành rành đây này”.

Em ngỡ ngàng, không biết trong sách viết cái gì vì từ đầu buổi tới giờ em không hề lật sách mình ra. Em vội đứng lên thanh minh: “Em học sách cũ của anh để lại nên chắc do anh em ghi, chứ em cũng đâu có sách giải đâu mà ghi, thưa cô. Với lại từ sáng giờ em coi chung sách với bạn Hằng mà cô”. Nhỏ Hằng ngồi kế bên đứng dậy đồng tình: “Dạ, đúng đó cô. Nãy giờ bạn Châu coi chung sách với em chứ đâu có giở sách bạn ra”.

Cô nói: “Em ngồi xuống đi, đừng có bao che bạn. Bạn không coi ở đây thì chắc đã học thuộc lòng ở nhà trước rồi, mấy bạn học giỏi trong lớp không giải được thì làm gì nó giải được”.

Em lí nhí không thành tiếng, thấy cổ họng đắng ngắt không nói nên lời, nước mắt chực chờ tuôn ra. Rồi cô bảo: “Thôi, em ngồi xuống đi, mới chừng ấy tuổi mà đã biết xảo trá rồi”.

Em ngồi xuống ghế mà cứ tưởng mình đang rơi xuống vực sâu hun hút…

Cô mở sổ điểm để vào sổ bài kiểm tra vừa rồi. Các bạn bắt đầu đọc lớn điểm của mình để cô ghi. Chưa lúc nào em thấy sợ đọc điểm như lúc này dù em biết mình không làm sai gì cả. Rồi cũng đến lượt em. Em lí nhí như sợ ai nghe thấy: “Dạ thưa cô, 10 ạ!”. Cô ngước nhìn em, bĩu môi cười khẩy: “Cô sẽ ghi vào sổ 10 điểm, nhưng cô nói cho mà biết: đây không phải là điểm thật của em đâu, con nít bây giờ đáng sợ thật”.

Lúc này, em cũng chẳng biết phải biện minh gì để cô tin bài toán đó do chính em tự giải. Dù em không phải là một học sinh giỏi thuộc hàng nhất, nhì nhưng cũng không phải là một đứa học hành không ra gì (lớp có 35 bạn và em luôn đứng khoảng từ hạng 6 đến hạng 10).

Biết bao nhiêu câu hỏi xoay quanh đầu em lúc đó: “Chẳng lẽ không phải là lớp trưởng, lớp phó thì không thể giải được bài toán khó ư?”, “Chẳng lẽ em học sách cũ của anh để lại là sai ư?”, “Chẳng lẽ nhỏ bạn làm chứng cho em cũng không được à?”… Những câu hỏi đó đã làm em mơ hồ, hụt hẫng, nhói đau.

Tối đó em đã khóc thật nhiều. Em trở nên lầm lì, ít nói và sợ đi học. Mà đúng hơn, em sợ nhất là ánh mắt mỉa mai của bạn bè và cái bĩu môi của cô. Nó đã ám ảnh và làm bước chân em tới lớp nặng nề hơn. Năm học đó trở thành ác mộng với em và học lực của em xuống dốc trầm trọng.

Điều này còn ám ảnh em suốt năm năm sau. Mãi đến khi vào lớp 9, suy nghĩ đã chín chắn hơn, em mới thấy mình thật ngu ngốc khi chỉ vì một chuyện vô lý mà đánh mất quá nhiều thứ. Thật bất hiếu khi thấy mẹ hằng ngày lam lũ ngoài đồng ruộng để lo cho em được tới trường, vậy mà em đã không biết cố gắng, nỗ lực học tập tốt để đáp lại công ơn to lớn ấy.

Em suy nghĩ rất nhiều và quyết định phải vực dậy kết quả học tập, nhất quyết không vì chuyện vô lý đó mà đánh mất tương lai chính mình. Em cặm cụi học ngày đêm để lấy lại những kiến thức đã bỏ quên những năm qua. Cuối cùng, năm lớp 9 em đứng hạng nhì trong lớp. Tốt nghiệp toán lớp 9 em được 9,5 điểm, lớp 12 em được trọn 10 điểm. Bây giờ, em đã trở thành sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Hiện tại cô vẫn dạy ở ngôi trường xưa, nhưng chắc cô không còn nhớ buổi học hôm đó. Em viết ra những dòng này không phải để trách móc hay hờn dỗi gì ai nữa. Tất cả là quá khứ rồi, nhưng có một chuyện bao năm qua còn để trong lòng em muốn nói với cô: “Thưa cô, đó là điểm 10 em xứng đáng được hưởng!”. Em chỉ ước rằng giá như ngày xưa cô chịu nghe giải thích thì em đã không bị tổn thương đến như vậy.

Nguồn: DƯƠNG CHÂU – Tuổi trẻ Online


About 2Bo02B

Nguyễn Vũ Thụ Nhân (Mr) Lecturer Physics Department. HCMC University of Pedagogy

Thảo luận

7 bình luận về “Dạ thưa cô, 10 ạ!

  1. vì vậy nên đừng vội đánh giá bất kì 1 điều gì một cách vội vàng .hãy dùng đầu suy nghĩ ,mắt để quan sát ,tai để lắng nghe ,tay chân hành động ….cuối cùng rồi mới dùng lời nói để đánh giá !!!

    Thích

    Posted by Thanh Ly | 10/03/2014, 16:57
  2. Cả 4 câu chuyện đều hay, PHAMTHANHHA, HOC TRO NHO, và WINKY1306. Đời học trò, không phải là hiếm khi gặp những vấn đề như vậy. Nhưng người ta nói “tình ngay lý gian” sao mà giải thích được? Tức tối, cay cú cũng chẳng được gì, mẫu truyện của bạn HOC TRO NHO là mình thấy “bình yên” nhất! Bởi sự cố thì ai mà chẳng gặp. Nhưng quan trọng là sau sự cố đó, mỗi người chúng ta nhận được gì?! “Có lẽ” em đã là 1 sv sư phạm rồi…” Có lẽ” em đã không tổn thương đến như vậy… Đó là những gì mà đa số những người gặp phải “vấn đề” cảm nhận được. Một “vấn đề” không to tác, hoàn toàn không, nhưng lại khiến cho họ (với cái cách suy nghĩ tiêu cực) đánh mất đi khá nhiều…trong tâm hồn và cuộc sống. Tại sao ta không biến nó thành một bài học như HOC TRO NHO? Tại sao ta không suy nghĩ theo một cách tiêu cực hơn và chứng minh cho người khác (những người đã nhìn lầm ta) rằng họ đã sai? Còn đối với riêng tôi, ngoài hai suy nghĩ “bài học” và “chứng minh”, tôi nghĩ rằng: hãy mặc kệ những gì họ nhìn nhận về ta nếu như điều đó là không đúng với sự thật: vì vốn dĩ vẽ bề ngoài chẳng bao giờ chứng tỏ đúng 100% những gì chứa bên trong chúng ta!

    Thích

    Posted by Hoàng Trường | 21/01/2013, 11:17
  3. Đúng ra cô giáo cần cho một bài tập ngoài sách để đánh giá học sinh thì đã không có gì xảy ra.

    Thích

    Posted by THANH AN | 11/01/2013, 13:44
  4. đọc cả 3 câu chuyện trên, mình cũng nhớ lại 1 chuyện của mình hồi học lớp 11. Cấp 3 mình học lớp chọn 2, và năm 12 có tuyển đội đi thi học sinh giỏi tỉnh môn Sinh học. Không dám tự nhận là một học sinh xuất sắc, nhưng mình có mặt trong đội tuyển chỉ có 3 người. Từ năm lớp 9 mình đã học rất tốt môn đó.
    và chuyện xảy ra là vào kì 2 năm lớp 11. trong 1 giờ kiểm tra 1 tiết môn Sinh học là tiết đầu tiên sau giờ 15 phút đầu giờ. như mọi ngày, 15p đầu giờ,mình cũng như các bạn khác đều mang sách vở ra xem lại bài trước, nhất là ngay sau đó có tiết kiểm tra. hôm đó, vì đã học phần bài kiểm tra rồi, mà kiến thức về sinh mình khá tự tin nên mình chỉ xem qua rồi gấp sách lại bỏ vào ngăn bàn, rồi ngồi kiểm tra 1 số phần cho các bạn khác. hết 15p cô giáo vào, bảo cả lớp cất sách vở liên quan đến môn sinh để làm bài kiểm tra. mình lấy quyển vở môn khác để kê tờ giấy kiểm tra mà ko hề để ý là quyển sách giáo khoa đang để trong ngăn bàn, mặc dù nó được gấp lại rồi.
    rồi khi chép đề xong, đề 3 câu, mà với mình cả 3 câu đều dễ.. chỉ cần chưa đầy 15p mình đã làm gần xong câu thứ 2.. câu 3 là trình bày và phân tích quy trình làm lên men sữa chua gì gì đó. và rồi chợt cô giáo đi xuống lớp, đến ngay chỗ mình và la mình, quy cho mình là gian lận, mình ko hiểu chuyện gì, thì cô giáo bỏ tay vào ngăn bàn lấy ra quyển sách giáo khoa sinh học.. Lúc đó, cô giáo ko cho mình thanh minh, cô giật tờ giấy làm bài của mình rồi nói: cô đã dặn trước là ko được giở tài liệu. mình đã đứng dậy nói là em ko có dùng nó, e để nó từ 15p đầu giờ mà ko nhớ chứ k dùng. cô bảo: ai biết được e có dùng hay ko. rồi phẩy tay nói tôi ngồi xuống. sau khi cô thu bài của mình khi mới chưa đầy 20p thì thời gian còn lại, mình đã đọc phần bài kiểm tra còn lại cho mấy bạn khác chép, vì lí thuyết khá dài và rắc rối, dễ nhầm nên mình đọc cho mấy bạn đó chép.. mình ko biết để làm gì nhưng thấy khó chịu vì cách làm của cô giáo.
    bài kiểm tra thì mình đã làm được hơn 2 câu.. mình không tiếc vì bài đó không được hoàn chỉnh. mình được 8 điểm cho bài đó. nếu mình làm xong có thể được cao hơn. nhưng mình không buồn vì điểm không cao. mà mình khó chịu vì cô hiểu lầm mình, làm mình cảm thấy khó xử với bạn bè.. hôm đó mình đã thấy thái độ của cô khác hẳn với mình, cả bạn bè nữa. chỉ có những bạn ngồi gần biết là mình để quên chứ không có cố tình để vậy. và từ năm đó, mình đã ko còn hứng thú học sinh nữa, dù năm 12 nằm trong đội tuyển thi tỉnh sinh nhưng ấn tượng về 1 cô giáo dạy sinh học đã khiến mình thay đổi thái độ với môn học. năm đó đi ôn mà gặp cô trong phòng bộ môn là mình hết hứng.. rồi mình bỏ giở kì thi hs giỏi tỉnh năm đó.
    cô ạ, nếu năm đó, cô xử lí tình huống đó khác, có lẽ e đã là 1 sv sư phạm sinh rồi…

    Thích

    Posted by winky1306 | 10/03/2012, 15:00
  5. Mình cũng có những kỷ niệm không thể quên như thế khi đi học. Đó là hồi học cấp 2, lớp mình là lớp chuyên, vốn là đứa chăm chỉ và học lực thuộc loại khá giỏi trong lớp nhưng do cái tính ỷ y và cẩu thả, mình đã bị thầy giáo hiểu lầm và nhận được một bài học rất quê. Hôm đó là ngày kiểm tra môn Sinh học, thầy vào lớp hơi trễ nên gấp rút bảo học sinh đóng tập vào làm kiểm tra đầu giờ. Trước đó mình có mở tập ra coi lại bài rồi đút ngay vào ngăn bàn trong tình trạng tập vẫn mở. Sau đó mình ngồi nói chuyện với bạn kế bên chờ thầy vào lớp mà không để ý là tập mở hay đóng. Xui xẻo hơn nữa là cái tính mình ngồi hay kê một bên đầu gối lên ngang với cạnh bàn, che khuất 1 phần ngăn bàn. Trước khi đọc đề, thầy đi qua một lượt kiểm tra. Mình cứ đinh ninh là đã học bài rất kỹ ở nhà rồi nên yên tâm chờ đợi. Rồi tự dưng thầy dừng ngay chỗ mình. Mình thấy lạ lạ nhìn thầy nhưng vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Sau đó thầy yêu cầu mình đứng lên và đưa tay lôi trong ngăn bàn thì thấy cuốn tập mình đang mở. Lúc ấy mình mới nhận ra mình chưa đóng tập. Và sau đó thầy nói với cả lớp là mình có ý gian lận, cố tình mở tập dầu trong ngăn bàn và còn lấy chân che đi. Trong đời đi học chưa bao giờ mình thấy xấu hổ như lúc ấy, chỉ muốn đào lỗ chui xuống đất mà thôi. May mắn là thầy kiểm tra mình trước khi đọc đề, bài đó mình làm vẫn được điểm 10. Nhưng có ai để ý bạn được điểm mấy sau đó, họ chỉ nhớ khoảng khắc lúc ấy mà thôi. May mắn hơn nữa là thầy không để bụng mình chuyện đấy. Chuyện đó trở thành bài học nhớ đời cho mình và sau này mình rất cẩn thận với đồ đạc của mình trước mỗi giờ kiểm tra.

    Thích

    Posted by Hoc tro nho | 26/01/2012, 15:24
  6. Bài này hay quá. Cảm ơn thầy!

    Thích

    Posted by Nguyễn Hà Kim Loan | 21/09/2011, 18:44
  7. Mình cũng đã trải qua cảm giác như thế, rất hiểu lòng của tác giả bài viết.
    Mình vốn là 1 cô bé nghịch ngợm, từ bé đã cắt tóc demi-gar,con chứ không thướt tha tóc dài như những bạn gái khác. Cô là gv dạy nữ công, thấy vẻ ngoài của mình, cô nghĩ ngay là mình hậu đâu, mặc dù mình cực kỳ khéo tay. Bất cứ bài tập nào của mình làm cô đều săm soi và thường hỏi: có nhờ mẹ làm giùm không? Lần ấy bài tập là đan tất len. Mình đan 1 đôi đẹp lắm, hý hửng chuẩn bị nộp thì có cô bạn thướt tha khóc sụt sùi vì không làm được tí nào, sợ cô mắng. Thấy bạn khóc quá, mình nói để mình cho mượn 1 chiếc, vì cô chỉ yêu cầu đan 1 chiếc, bạn mừng lắm. Tên bạn bắt đầu là L, thông thường phải gọi sau tên mình H, nhưng chả hiểu sao cô gọi bạn ấy trước, bạn được 10đ. Cuối giờ cô gọi mình nộp, cô giận dữ bảo mình mượn của L hả? Mình nói không, cô gọi L thì rõ ràng là 2 cái. L khóc nức nở, còn mình chỉ nhìn cô. Cô nói: cô hiểu rồi, L cho H mượn rồi ôm L vào lòng dỗ dành, mình thì được cô ném cho 1 cái nhìn giận dữ và 1 số 0 to tướng. Cô còn nói trước lớp: thứ con gái gì mà lười biếng, vụng về, xấu xí (vì để tóc ngắn). L vẫn khóc và không nói gì, mình nhìn L để thanh mình cho mình nhưng L tránh mặt. Mình tức quá, mặt căm phẫn chỉ nhìn mà không nói được gì. Kết quả: 1 con 0 to tướng. Nhưng mình không hiền như tác giả bài viết trên. Mình đã lên gặp cô Hiệu trưởng, đã khóc như mưa sau khi cô chịu nghe mình. Cô giáo ấy phải trả điểm 10 cho mình với 1 vẻ hằn học, và kỳ lạ thay, L giảm còn 7 đ: cho 1 bài tập không làm! Cô vẫn tiếp tục quí L và ghét mình!
    Giờ: L bán cá ngoài chợ, cô giáo thì bị giảm biên chế bán chè ở cửa nhà từ hồi năm tám mấy tới giờ vẫn còn bán.

    Thích

    Posted by phanthanhha | 21/09/2011, 09:17

Bình luận về bài viết này

Translators & RSS

English French RussiaMaths 4 Physics (M4Ps)


Bạn hãy nhập địa chỉ email của mình để đăng ký theo dõi tin tức từ blog này và nhận những bài viết mới nhất qua địa chỉ email.

Join 2 787 other subscribers

Đôi lời

Bạn có thể theo dõi các lời bình liên quan đến lời bình của mình qua email bằng cách chọn dòng thông báo Báo cho bạn khi có người bình luận tiếp theo đề tài này bằng điện thư mỗi khi viết 1 lời bình.


Rất mong các bạn viết lời nhắn bằng tiếng việt có dấu nhé.

Để viết tiếng việt có dấu bạn dùng font chữ Unicode và bảng mã là Unicode UTF-8.


Để biết cách gõ công thức Toán học trong các lời nhắn ở trang web này, mời bạn đọc bài hướng dẫn tại đây hoặc bạn có thể xem bài hướng dẫn dùng MathType tại đây và bài tạo công thức trực tuyến tại đây


Get Well

Lời nhắn mới nhất

Dương Khánh Uyên trong Trang 2
Trần Thái An trong Trang 2
Chúc Chúc trong Xác suất có điều kiện
Hoang Anh trong Khai triển Taylor – Macl…
Trần Trung Đức trong Mẹo phân tích nhanh 1 phân…
Nhung Duong trong Trang 2
khoi trong Khai triển Taylor – Macl…
Minh pham trong Chuỗi Fourier Sine và Cos…
Minh Phạm trong Chuỗi Fourier
Anh Tuấn trong Cực trị (không điều kiện) của…